Trình diễn múa khèn Mông. Ảnh: TL
Tỉnh Hà Giang có nhiều tiềm năng, giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình; văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc. Để nâng cao giá trị ngành DL, tỉnh đã lãnh, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy DL phát triển. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vai trò của DL trong phát triển KT – XH được nâng lên; hạ tầng phục vụ DL được quan tâm đầu tư; một số khu, điểm DL được hình thành; các làng văn hóa DL cộng đồng hoạt động hiệu quả… Để nâng tầm DL, tỉnh xác định tập trung huy động các nguồn lực cho phát triển DL; đa dạng các sản phẩm DL theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; tăng cường liên kết, hợp tác, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của DL Hà Giang.
Nghề đan quẩy tấu giúp người dân xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Ảnh: Kim Tiến
Nằm trong vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Đồng Văn triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển DL. Địa phương lựa chọn xây dựng và được tỉnh công nhận 2 Làng văn hóa DL cộng đồng thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là và thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú; khảo sát hình thành 10 làng văn hóa đặc trưng để bảo tồn văn hóa các dân tộc, tiến tới xây dựng một số làng văn hóa DL đặc trưng tiêu biểu của dân tộc Mông, Giáy, Tày… Mặt khác, phát hành hàng nghìn cuốn sách “Khám phá Đồng Văn” bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Huyện tập trung bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích vật thể, phi vật thể, danh thắng của cộng đồng các dân tộc; duy trì các làng nghề truyền thống; phát triển một số sản phẩm đặc trưng trong văn hóa ẩm thực các dân tộc; tạo điều kiện cho hội nghệ nhân dân gian các xã, thị trấn hoạt động, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, đẩy lùi các hủ tục.
Tuy nhiên, không gian văn hóa các dân tộc ở nhiều nơi trong tỉnh có chiều hướng bị phá vỡ; một số trang phục truyền thống vốn là sản phẩm được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay tỉ mỉ, nay được thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn; sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng vùng, miền chưa nhiều; một số dịch vụ DL hoạt động thiếu kỹ năng; đội ngũ cán bộ làm công tác DL thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; vai trò của cộng đồng trong phát triển DL chưa được phát huy…
Để DL phát triển xứng với tiềm năng, tỉnh xác định phát huy tối đa lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững; phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa. Xây dựng DL gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Chú trọng phát triển du lịch nội địa, kết hợp phục hồi KT – XH gắn với kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thu hút khách DL trong và ngoài nước. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ DL đồng bộ, hiện đại. Hình thành một số khu, điểm DL, dịch vụ tổng hợp quy mô lớn. Phát triển các sản phẩm DL đa dạng, phong phú, nhất là DL cộng đồng. Xây dựng thương hiệu DL Hà Giang an toàn, hấp dẫn, đặc sắc trong khu vực miền núi phía Bắc.
Lãnh đạo Sở VHTTDL cho biết: Hiện thực hóa mục tiêu đó, ngoài những giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển văn hóa đặc trưng các dân tộc; đổi mới phương pháp tuyên truyền; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động DL; bồi dưỡng đội ngũ trực tiếp làm DL; giữ vững thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng; kết nối, khai thác sản phẩm DL mạo hiểm; đổi mới cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư hạ tầng DL và các dịch vụ DL; quảng bá tiềm năng, lợi thế DL…
Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, sát thực tế, chắc chắn trong tương lai không xa, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh sẽ có bước tiến vững chắc, góp phần giúp người dân địa đầu Tổ quốc có cuộc sống ngày một ấm no.