Tin tức

SECOND HOME – XU HƯỚNG PHƯƠNG TÂY VÀ VIỆT NAM

SECOND HOME – XU HƯỚNG PHƯƠNG TÂY VÀ VIỆT NAM

“Second home” bắt đầu từ các nước phương Tây và gia nhập vào thị trường Việt Nam khoảng hơn 10 năm trước, càng ngày “second home” càng trở thành một xu hướng bất động sản, môt phong cách sống với những vấn đề tiếp cận mới từ đầu tư tài sản cho tới vận hành và ủy thác kinh doanh.

Khi điều kiện cuộc sống được đẩy lên cao, có nguồn thu nhập ổn định và dư dả con người sẽ nghĩ đến việc thực hiện ước mơ và hưởng thụ. Đặc biệt tìm kiếm các không gian nghỉ dưỡng để an hưởng tuổi già, hay lựa chọn các căn hộ biển, các khu biệt thự để cả gia đình nghỉ ngơi,…. và những không gian sống này sẽ được gọi chung bằng thuật ngữ là Second Home. Xu hướng này bắt đầu phát triển mạnh khi du lịch bùng nổ trong khi tốc độ đô thị hoá ở các thành phố diễn ra quá nhanh gây ảnh hưởng lên môi trường và không gian sống.

Tại phương Tây, đặc biệt tại Hoa Kì, trong giai đoạn Covid lại chứng kiên sự tăng trưởng mạnh của thị trường “Second home”. Cụ thể trong nửa cuối năm 2020 tại Hoa Kì, mức độ mua vào của Second home so với First Home (căn nhà đầu tiên) đã tăng trưởng gấp đôi, theo số liệu của hãng RedFin. Số liệu của RCI Survey cho biết kể từ tháng 9.2019 đến 9.2020 tại Mỹ, thị phần bán của Second Home đã tăng trưởng 15 điểm phần trăm – một con số hết sức ấn tượng trong giai đoạn dịch bệnh.

Bắt nguồn từ phương Tây, khái niệm “Ngôi nhà thứ 2 – Second Home” gia nhập vào thị trường Viêt Nam vào khoảng những năm 2010. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình này mới thực sự trở thành cơn sốt do tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh và nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng trong nước đang trên đà phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Theo số liệu khảo sát cho thấy năm 2019 Việt Nam đón tổng cộng gần 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 16.2% so với năm 2018 và 80 triệu lượt khách nội địa. Trong khi đó, nước ta chỉ có khoảng 66.000 đơn vị cư trú hoạt động, do đó thường xuyên dẫn tới tính trạng quá tải lượng khách và “cháy” quỹ phòng cho khách du lịch, đặc biệt là vào mua du lịch. Vì vậy, yếu tố khách du lịch tăng trưởng chính là nguồn cầu đáng kể để loại hình second home trở thành một làn sóng lớn trên thị trường bất động sản.

Ngoài ra, tình trạng quá tải dân số, thiếu không gian xanh, nạn kẹt xe, ô nhiễm khói bụi hay áp lực lớn trong công việc và cuộc sống cũng là những nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình gia tăng nhu cầu sở hữu “second home” ở những nơi có không gian thân thiện với thiên nhiên, nhiều tiện ích dịch vụ đồng bộ để nghỉ dưỡng, xả stress,…đồng thời tạo ra một nguồn thu nhập bền vững từ việc cho thuê lại mà không phải mất quá nhiều công sức.

Theo tờ Telegraph của Anh, Việt Nam được xếp trong danh sách top 20 thị trường có tốc độ tăng trưởng second home cao nhất thế giới. Xếp về mức giá, thì Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách các thị trường second home có mức giá hấp dẫn có giá trung bình trên 500.000 bảng (tức khoảng 1.5 tỷ VNĐ), chỉ đừng sau Kenya và Slovenia.

Có thể thấy, với sức hấp dẫn là dòng sản phẩm vừa có thể nghỉ dưỡng, vừa có thể kinh doanh sinh lời khi nhàn rỗi là những nguyên nhân chính khiến dòng sản phẩm second home bùng nổ ở thời điểm hiện tại. Đây chính là một điều kiện cần để phát triển tiếp bước thứ 2 – điều kiện đủ cho Second Home hái trái ngọt: việc vận hành và ủy thác kinh doanh tài sản

(Bài tiếp: “Second home và bài toán vận hành – ủy thác kinh doanh tài sản”)