Đà Nẵng là một trong những trung tâm du lịch lớn và có sự tăng trưởng mạnh thời gian qua. Vì thế, khi ngành du lịch phục hồi thì bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng tại thị trường này cũng sẽ sớm phục hồi và sôi động trở lại.
Mở cửa du lịch để “phá băng” bất động sản
Số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, cùng với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trung bình 22,7%/năm, trong giai đoạn 2015 – 2019, cơ sở vật chất ngành du lịch cũng có sự tăng lên rất nhanh chóng, đặc biệt các khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang. Trong đó, Quảng Nam và Đà Nẵng là một trong những trung tâm du lịch lớn và có sự tăng trưởng mạnh thời gian qua. Theo Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Vũ Văn Thanh, trong trạng thái bình thường mới, khi du lịch phục hồi, các địa phương nói trên sẽ có cơ hội đón khách truyền thống quay trở lại sớm hơn. Bên cạnh đó, việc kinh doanh, kinh tế du lịch nói chung, các DN, cơ sở kinh doanh du lịch nói riêng sẽ phục hồi trở lại và là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng.
Ông Vũ Văn Thanh cho biết, Bộ VHTT&DL đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong đó có đề xuất lộ trình thí điểm có khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ tháng 11/2021, thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại tại các khu vực, cơ sở dịch vụ được lựa chọn tại các tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Giai đoạn 2 là từ tháng 1/2022, mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế kết nối các điểm đến thông qua những chuyến bay thuê chuyến hoặc thương mại thường lệ, khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến, sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày. Giai đoạn 3, mở cửa hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế, thời điểm bắt đầu giai đoạn này sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong hai giai đoạn đầu. Chính phủ đã đồng ý về chủ trương trình thí điểm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo 3 giai đoạn này.
Quỹ đất phát triển bất động sản du lịch còn nhiều
Tổng Giám đốc khối Sun Property Group Nguyễn Ngọc Thúy Linh cho rằng, thị trường BĐS Đà Nẵng đang bị đóng băng. Nhưng với năm 2022, đó sẽ là triển vọng mới và thời điểm để Sun Group phát triển thế chân kiềng thứ 3 là BĐS cao cấp, BĐS gắn du lịch nghỉ dưỡng. “Đà Nẵng hội tụ đủ yếu tố thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt BĐS” – bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh nói và cho rằng, Đà Nẵng cần chính sách mở cửa du lịch nhằm làm tiền đề “phá băng” BĐS, đặc biệt BĐS nghỉ dưỡng.
Tổng Giám đốc Công ty CP BCG LAND Võ Mạnh Tín cũng nhận định, Đà Nẵng, Quảng Nam có tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng mang tầm vóc quốc gia và quốc tế. Tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng sẵn có mà thiên nhiên ban tặng cùng những quyết định chuyển đổi quy hoạch và cơ cấu kinh tế hợp lý đã giúp Đà Nẵng – Quảng Nam đã, đang trở thành khu vực thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, các DN BĐS.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 2 năm qua đến kinh tế – xã hội là rất lớn, đặc biệt lĩnh vực du lịch. Đối với Đà Nẵng, có đến 98% số lượng các DN tạm dừng hoạt động. Diện mạo TP trong thời gian qua, đặc biệt các cơ sở lưu trú, BĐS ven sông, ven biển rơi vào trạng thái “ngủ đông”, tạo ra hình ảnh rất ảm đạm. Tuy nhiên, trong trạng thái bình thường mới, du lịch mở cửa đón khách quốc tế thì bức tranh sẽ sớm sáng sủa trở lại. Ông cũng nêu ra 2 tiêu chí để tin vào sự phát triển mạnh mẽ hơn của phân khúc BĐS du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới. Đầu tiên là Nghị quyết 43 của T.Ư cho Đà Nẵng, trong đó định hướng rất rõ phát triển du lịch chất lượng cao gắn với BĐS nghỉ dưỡng. Thứ hai là Quyết định 359 về điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng. “Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm này diện tích đất phân bổ cho du lịch cũng như BĐS du lịch là khoảng trên 1.000ha. Tuy nhiên, trong Quyết định 359 thì phân bổ không gian cho phát triển du lịch và BĐS du lịch lên đến 2.333ha. Như vậy, dư địa phát triển du lịch cũng như BĐS du lịch của Đà Nẵng rất lớn” – ông Nguyễn Xuân Bình thông tin.
Theo kinh tế đô thị