Kiến trúc công sở phải điều chỉnh như thế nào trong bối cảnh các văn phòng mở cửa đón nhân viên quay lại sau đại dịch? Không gian công sở có thể là một phần của văn hóa công ty và thúc đẩy văn hóa công ty hay không? Loạt bài “Giải pháp Bất động sản tương lai” của BPmax.
Đại dịch COVID 19 đã xẩy ra hơn 1 năm, văn hóa làm việc tại nhà (WFH), từ khía cạnh tạm thay thế ngắn hạn đã kéo dài suốt thời gian đó và thực tế đã thay đổi rất nhiều cách thức các công ty vận hành – các văn phòng làm việc, khi các nghiên cứu điều tra cho thấy hơn 65% nhân viên công sở đều ủng hộ và sẵn sàng làm việc hỗn hợp trực tiếp tại văn phòng và cả tại nhà.
Vậy kiến trúc công sở cần phải điều chỉnh như thế nào trong bối cảnh mới? Nếu như trước khi đại dịch xẩy ra, kiến trúc công sở tùy thuộc vào số liệu về nhân viên, diện tích, số lượng khách, số lượng cuộc họp, phòng ban. Hiện giờ, hình dạng của công sở mới sẽ phải phụ thuộc vào văn hóa của tổ chức, vào các niểm tin, giá trị chung mà tổ chức công ty đó chia sẻ ở mức độ lớn và các nhóm làm việc trong công ty chia sẻ, ở mức độ nhỏ hơn. Chìa khóa ở đây là sự nhận thức chính xác và tính trung thực về văn hóa hiện tại của công ty và xác định rõ ràng điều mong muốn về văn hóa công ty.
Từ đó, một quá trình sáng tạo, thông qua thiết kế kiến trúc, có thể dẫn đến không gian làm việc phản ánh văn hóa và thói quen lực lượng lao động mới này. Ví dụ sự thay đổi trong không gian mở nhiều hơn không gian đóng hay ngược lại, không gian phòng họp vật lý phải thay đổi phù hợp với phòng họp ảo nhiều hơn, không gian phải tăng cường và thúc đẩy được trải nghiệm công nghệ số và cách thức giao tiếp mới hạn chế tiếp xúc vật lý….
Phương Tây có câu nói: “hành động lặp lại tạo ra thói quen, thói quen lặp lại tạo ra tính cách, tính cách lặp lại tạo ra con người”. Sony Music là một nghiên cứu điển hình tuyệt vời trong việc biến kiến trúc công sở trở thành 1 động lực nuôi dưỡng và điều chỉnh hành động của công ty phù hợp với văn hóa mới
Khởi đầu từ 1 công ty sáng tạo, tuy nhiên nhiều thập kỉ đuổi theo văn hóa trọng kết quả kinh doanh đã khiến nhân viên SONY Music ưu tiên làm việc độc lập, khẳng định cá nhân, đi cùng với đó là không giản làm việc phân cấp mạnh mẽ, thể hiện thành tích cá nhân. Khi đứng trước những đối thủ mới năng động, sáng tạo hơn, SONY Music phải thay đổi, trở về cội nguồn văn hóa sáng tạo của họ.
Những gì họ cần là một môi trường kích thích, một môi trường có thể tạo ra văn hóa năng động và tương tác cần thiết để thành công trong giải trí đang phát triển, điều đó có thể thúc đẩy sự sáng tạo của nhân viên như là 1 tập thể chứ không phải chủ nghĩa cá nhân.
Kết quả:
- Giảm diện tích văn phòng từ 5.800 m2 xuống 1.600 m2
- Tăng 50% diện tích ở các khu vực chung dành cho nhân viên.
- Tăng khả năng cá nhân hóa các không gian cộng tác, mỗi không gian được dành riêng cho một nghệ sĩ của SONY trong quá trình đồng sáng tạo.
Ngay trong năm đầu tiên của thay đổi không gian làm việc mới (và văn hóa đổi mới), số lượng nghệ sĩ đến thăm văn phòng SONY Music đã tăng đáng kể, từ một lần mỗi tuần lên hai đến ba lần mỗi ngày. Một số nghệ sĩ thậm chí đã quay video của họ trong văn phòng công ty.
Không chỉ kiến trúc không gian làm việc mới giúp giảm thiểu chi phí vận hành từ dịch vụ quản lý tòa nhà văn phòng, dịch vụ quản lý bất động sản, mà còn hình thành nên văn hóa công ty đổi mới của SONY Music, tập trung vào việc học hỏi và khám phá, sự hưởng thụ, văn hóa vui vẻ, mạo hiểm và phấn khích.
Như vậy, kiến trúc không gian làm việc của công ty sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của nhân viên và công việc mà họ làm hàng ngày. Khi các công ty trên khắp thế giới chuẩn bị cho lực lượng lao động trở lại sau đại dịch COVID – thậm chí chỉ vài ngày trong tuần – thì việc chuyển đổi không gian văn phòng thực tế là bắt buộc. Đây cũng chính là cơ hội để tạo hiệu ứng thay đổi bắt đầu với văn hóa công ty cho những thành công sau này.